Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông của chính phủ Nga vừa gửi thư đến 3 “đại gia Internet”, bao gồm Google, Twitter và Facebook, cảnh báo 3 công ty Internet này đang vi phạm luật Internet của Nga và có nguy cơ bị chặn nếu họ không tuân thủ theo các quy tắc.
Cơ quan Liên bang về Giám sát Giao thông, Công nghệ thông tin và Truyền thông đại chúng của Liên bang Nga đã gửi những bức thư đến 3 công ty Internet lớn của Mỹ là Google, Facebook và Twitter, yêu cầu những công ty này tuân thủ theo luật Internet đang hiện hành tại Nga.
“Trong những lá thư được gửi đi, chúng tôi đã nhắc nhở các công ty Internet của Mỹ về hậu quả của việc vi phạm pháp luật của Liên bang Nga”, Vadim Ampelonsky, phát ngôn viên của Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông của Nga cho biết.
Để tuân thủ theo luật pháp tại Nga, 3 công ty này phải chấp nhận trao cho chính phủ Nga dữ liệu của những blogger có nhiều hơn 3.000 người truy cập mỗi ngày, và phải chấp nhận gỡ bỏ những trang web mà Cơ quan giám sát truyền thông Liên bang Nga nhận thấy là chứa các nội dung “kêu gọi biểu tình không được thừa nhận và kích động tình trạng bất ổn”.
Google, Facebook và Twitter đứng trước nguy cơ bị cấm tại quốc gia rộng lớn nhất hành tinh
Vadim Ampelonsky cho biết thêm vì công nghệ mã hóa được sử dụng bởi 3 công ty Internet kể trên, chính phủ Nga không có biện pháp hiệu quả nào để chặn các trang web cụ thể, do vậy để ngăn chặn những nội dung bị xem là vi phạm pháp luật được chia sẻ trên 3 dịch vụ này, chính phủ Nga sẽ cân nhắc việc chặn truy cập vào cả Google, Facebok và Twitter nếu các công ty này không chấp nhận hợp tác.
Đây được xem là một động thái cứng rắn của chính phủ Nga với các công ty đến từ phương Tây, trong bối cảnh phương Tây đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và rắc rối chính trị tại Ukraine.
Trước đó, tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu điệp viên của cơ quan tình báo Liên Xô KGB, đã từng gọi Internet là một dự án của CIA, làm dấy lên sự ngờ vực sâu sắc giữa chính quyền Moscow và Washington.
Vào năm ngoái, tổng thống Putin đã từng hứa sẽ không đặt Internet toàn quyền dưới sự kiểm soát của chính phủ, tuy nhiên luật Internet được ban hành vào năm ngoái, cho phép các công tố viên Nga có quyền chặn các trang web mà không cần quyết định từ tòa án. Cũng theo đạo luật này, những blogger nổi tiếng, có lượng người theo dõi lớn phải đăng ký thông tin chính thức và danh tính phải được xác thực với chính quyền.
Nhiều nhà hoạt động tại Nga đã phản đối đạo luật Internet này vì cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Trước yêu cầu của chính phủ Liên bang Nga, Facebook cho biết công ty đáp ứng yêu cầu của chính phủ các nước về dữ liệu người dùng, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ theo chính sách của công ty và luật pháp địa phương, đồng thời phải đáp ứng các quy trình hợp pháp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong 6 tháng cuối năm 2014, Facebook đã đáp ứng 80% trong tổng số 14.000 yêu cầu dữ liệu người dùng từ toà án, cảnh sát và cơ quan chính phủ Mỹ, trong khi đó, Facebook đã từ chối đáp ứng 2 yêu cầu từ chính phủ Nga về thông tin người dùng.
Twitter cũng có động thái tương tự Facebook, khi đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu người dùng từ chính phủ Mỹ, nhưng từ chối 108 yêu cầu từ chính phủ Nga trong nửa cuối của năm 2014.
Trong khi đó, dựa trên thông tin từ báo cáo minh bạch của Google, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã đáp ứng 5% trong tổng số 134 yêu cầu dữ liệu ngươi dùng của chính phủ Nga trong nửa cuối năm 2014, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ đáp ứng yêu cầu về dữ liệu người dùng của chính phủ Mỹ.
“Nếu các công ty không chú ý nhiều hơn đến những yêu cầu của chính phủ Nga, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt”, Vadim Ampelonsky, phát ngôn viên của Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông của Nga cho biết thêm.
Hiện tại, cả Google, Facebook lẫn Twitter cũng đang bị cấm tại quốc gia đông dân nhất hành tinh, Trung Quốc, và rõ ràng bộ 3 công ty này sẽ phải cân nhắc lại về chính sách của mình nếu không muốn mất luôn chỗ đứng tại quốc gia lớn nhất thế giới là Liên bang Nga.
0 comments :
Post a Comment