Giá xe ô tô quá cao, giá xăng tăng là chủ yếu, nhiều khoản thuế phí, thu nhập thấp… nên việc được sở hữu một chiếc xe ô tô vẫn là "ước mơ xa xỉ” đối với người lao động...!
Lại một lần nữa, chuyện hạn chế xe máy làm xôn xao dư luận.
Cách đây chưa lâu, tại buổi giao ban của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Thứ trưởng Giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển và Thềm lục địa Trần Doãn Thọ đề nghị cần có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng giao thông lộn xộn, trong đó đặc biệt là cần có lộ trình hạn chế xe máy.
Đây không phải là lần đầu đề xuất này được nêu ra. Năm 2011, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi mới nhậm chức cũng đã đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân (không phân biệt ôtô, xe máy) để giảm ùn tắc giao thông. Ngày đó, ông Thăng còn khẳng định nếu biện pháp này được áp dụng thì ùn tắc tại Hà Nội và TP HCM sẽ giảm trong vòng một năm.
Trở lại buổi giao ban trên, ông Thọ nói: "Vấn đề ách tắc giao thông đô thị theo tôi nguyên nhân do ôtô chỉ một phần, mà phần nhiều là do xe máy. Trên các tuyến phố tôi thấy cứ hở ra lỗ hổng nào thì xe máy chen vào ngay. Bảo làm sao không tắc. Theo tôi nên có lộ trình hạn chế xe máy".
Về nguyên nhân gây ách tắc, ông Thọ đã có lý khi cho rằng nguyên nhân là do những hành vi chen lấn, bất chấp luật lệ của không ít người điều khiển xe gắn máy hiện nay. Nhất là tại các thành phố lớn và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Điều này hiện hữu trên đường phố hàng ngày và có lẽ không ai không nhận thấy.
Một nguyên nhân khác, theo số liệu từ Bộ GTVT, Việt Nam hiện có khoảng 43 triệu môtô, xe gắn máy đăng ký, vượt 7 triệu chiếc so với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 và nếu không có những thay đổi, đến 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 13 triệu xe gắn máy mới.
Đây là con số khổng lồ, là áp lực lên hạ tầng vốn đã èo uột của giao thông Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và ô nhiễm môi trường.
Song, chủ trương cấm xe máy bằng mệnh lệnh hành chính lại tỏ ra thiếu khả thi bởi lý do thứ nhất, điều kiện kinh tế Việt Nam lúc này chưa cho phép. Hiện, giá xe ô tô tại Việt Nam quá cao trong khi đó, thu nhập của người Việt Nam lại thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ hai, các phương tiện giao thông công cộng như xe buyt, tàu điện ngầm chưa phát triển để đủ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân.
Thứ ba, ngưới Việt Nam vốn có tính “cơ động”, từ nhiều năm đã quen thuộc với chiếc xe đạp (Hà Nội từng được mệnh danh là Thành phố xe đạp) nên khi chuyển sang xe máy, một loại phương tiện có tiện ích tương tự nên dễ thích nghi.
Thứ tư, với mật độ dân số hiện nay nếu như thay xe máy bằng ô tô, cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ không đáp ứng nổi.
Có một thực tế là từ nhiều năm qua, xe máy gắn liền với cuộc sống của người lao động. Người dân hiện nay cũng không thích thú gì phải tham gia giao thông bằng xe máy vì mưa nắng, bụi bẩn… song đây là phương tiện mưu sinh nên nếu cấm hay hạn chế bằng biện pháp thu cao phí thì đời sống của họ sẽ ra sao?
Có lẽ chính vì lý do trên, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng việc hạn chế xe máy trong đô thị là không khả thi.
“Ở Việt Nam, khi phương tiện công cộng chưa phát triển thì không thể cấm được xe máy. Các giải pháp đặt ra là phải phát triển hạ tầng đường trên cao - dưới đất, phương tiện công cộng như tàu điện và metro (tàu điện ngầm), còn xe buýt cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Theo quy luật, khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì xe máy mới có thể hạn chế” - ông Huyện nói.
Thế mà có mỗi tuyến đường sắt trên cao thì lay lắt, vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn lên rất cao và thỉnh thoảng lại một vụ “sắt rơi” gây tai nạn…
Giá xe ô tô quá cao, giá xăng tăng là chủ yếu, nhiều khoản thuế phí, thu nhập thấp… nên sử dụng xe ô tô vẫn là “ước mơ xa xỉ” đối với người lao động!
0 comments :
Post a Comment